Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Đồ chơi chiến đấu có thực sự nguy hiểm?

Súng giả, cung tên hay kiếm nhựa là những đồ chơi trẻ em khiến các bé trai mê mệt, nhưng cũng làm không ít bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, theo các nhà giáo dục, đồ chơi và trò chơi chiến đấu không hoàn toàn có hại cho trẻ như nhiều người vẫn lo ngại.
                    Ảnh minh họa
Giúp trẻ giải toả tâm lý
Từ 3-4 tuổi, các bé trai bắt đầu say mê các loại đồ chơi chiến đấu, điều này không hề chứng tỏ trẻ sẽ “hiếu chiến” hay hành động bạo lực khi lớn lên. Ngược lại, đó là một thời kỳ phát triển bình thường và cần thiết cho việc hoàn thiện tính cách, giúp trẻ học cách kiềm chế cảm xúc.
Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em trai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hệ hormone testosterone (nam tính), nó kích thích các bé tư duy, hành động mạnh mẽ hơn so với các bé gái. Và khi chơi các loại “vũ khí” giả, tham gia các “trận chiến” giả, những suy nghĩ mang tính bạo lực của trẻ sẽ được giải toả và thuần hoá dần. Nhiều người vẫn nhớ khi còn nhỏ, họ đã từng ít nhất một lần mơ trở thành siêu nhân, cảnh sát hay vị anh hùng nào đó trong phim, truyện. Tất nhiên họ cũng mong muốn sở hữu sức mạnh đáng khâm phục như thần tượng của mình. Chính vì vậy, đồ chơi chiến đấu càng ấn tượng càng khiến họ thích thú (súng nhựa phát ra tiếng nổ, kiếm phát sáng…) vì cảm thấy sức mạnh của mình được nhân lên.
Khi tham gia trò chơi chiến đấu, trẻ học được cách đoàn kết trong tập thể và cảm giác được sát cánh với “đồng đội” của mình, trẻ được bộc lộ tự nhiên và rõ ràng nhất những cảm xúc xáo trộn, như sự ham muốn, ganh đua, ghen tị… đồng thời giải toả chúng khi chơi. Chỉ cần quan sát con chơi, cha mẹ có thể biết được trẻ đang suy nghĩ hay có khúc mắc gì về tâm lý.
Để con chơi theo cách của mình
Lo ngại các đồ chơi chiến đấu sẽ làm trẻ trở nên cục cằn, hung hăng nên một số phụ huynh không cho con tiếp xúc với những thứ “nguy hiểm” ấy. Trên thực tế, trẻ em lại phân biệt rất rõ giữa trò chơi và thực tế. Khi chơi, trẻ sống trong thế giới tưởng tượng và đóng vai một nhân vật anh hùng trong thế giới ấy. Nếu bạn thấy con lăm le cây súng gỗ “bắn hạ” từng tên lính nhựa thì đừng ngăn cản con. Trong câu chuyện tưởng tượng của mình, con bạn có đủ lý do để hành động như vậy. Việc ngăn cấm, mắng mỏ sẽ làm trẻ có cảm giác tội lỗi khiến chúng không tìm đến trò chơi chiến đấu để bộc lộ cảm xúc nữa mà tìm đến những cách tệ hại hơn như nói bậy, chửi thề, trút giận vào người khác…
Tuy nhiên, các trò chơi đều phải có giới hạn. Bạn cần đặt ra cho con những điều kiện cần tuân theo để trò chơi diễn ra lành mạnh, như không được nói bậy, không được làm bạn đau…
Khi nào bạn nên thực sự lo lắng?
Đó là khi trẻ bắt đầu áp dụng bạo lực vào hành động thực tế như hung hăng, gây sự, đánh bạn… hoặc khi trẻ luôn lủi thủi chơi một mình, buồn bã, gắt gỏng. Trước những biểu hiện như vậy, cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện, chơi với con hoặc gợi ý cho trẻ tham gia những đồ chơi thông minh khác. Trò chơi chiến đấu có những mặt tốt, nhưng nếu thiếu sự quan tâm, quản lý của cha mẹ thì hậu quả chúng gây ra cho trẻ cũng không hề nhỏ.
Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét